Doanh nhân Nguyễn Tăng Cường gắn liền thương hiệu Cơ khí với sản phẩm mang chất lượng quốc tế

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tăng Cường - Anh hùng Lao động, Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung - người được trong giới cơ khí chế tạo mệnh danh là “ông vua cần cẩu” về những thành công của công ty và những trăn trở của ông trong sự phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam

Tôi được nghe kể là trước ngày lắp đặt rotor tại công trình quốc gia Thủy điện Sơn La, khi cẩu trục đang vận hành thử thì đột nhiên ngừng hoạt động và những người thợ lắp máy trên công trường không sao khởi động lại được, khi người ta phải cầu cứu đến ông, mới biết chính ông ngồi tại nhà máy ở Quảng Ninh đang bấm nút điều khiển cho cẩu trục này ngừng hoạt động để “cảnh cáo” sự lần nữa trong việc thanh toán hợp đồng mua cẩu trục của bên A ?

Chân dung Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung - Ông Nguyễn Tăng Cường

Đúng thế. Ở ta hiện nay làm ra sản phẩm bán được đã khó, nhưng lấy được tiền thì còn khó hơn, phải chạy vạy đủ kiểu để lấy tiền thanh toán lương công nhân, mua nguyên vật liệu, chi phí nhà xưởng, ...

Kể từ khi chúng tôi chế tạo cẩu trục chân đế 80 tấn đầu tiên vào năm 2001, đến nay sau 10 năm một loạt sản phẩm cẩu đã ra đời: cẩu chân đế từ 80 tấn đến 180 tấn; cẩu trục từ 30 tấn đến 700 tấn với khẩu độ dài “kinh khủng” – 180m; cẩu trục lần lượt từ 50 tấn đến 320 tấn, 560 tấn (nhân đôi là 1.120 tấn)

Tất cả các sản phẩm đó hầu như đều do chúng tôi cái thì tự mày mò nghĩ ra, cái thì mổ xẻ lấy của ông nọ bà kia mỗi người một ít, mỗi chỗ một ít để hình thành ra sản phẩm của mình chứ không sao chép nguyên xi của ai. Sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu cơ khí cho chúng tôi là không đáng kể

Gần đây nhất trong việc thiết kế chế tạo cần cẩu bánh xích 100 tấn một loại cẩu mà ở khu vực Đông Nam Á chưa có nước nào sản xuất. Việc này chúng tôi được sự hợp tác của ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Xây Dựng

Vì sao họ không hợp tác được với ông ?

Do nhiều nguyên nhân. Trước hết, họ không tin vào những ý tưởng táo bạo, những mục tiêu, tham vọng mà những người thợ chúng tôi dám nghĩ dám làm, họ sợ mất công, mất sức vô ích; và điều quan trọng hơn, nói ra hẳn nhiều người không vừa lòng. Có viện với hàng chục GS, TS, đã từng làm một đề tài khoa học cấp Nhà nước chế tạo cẩu trục 5 tấn, tiêu không ít tiền của Nhà nước, mà đến nay hình hài chiếc cẩu trục đó vẫn chưa thấy đâu, trong khi chúng tôi làm chiếc cẩu chân đế 80 tấn không lấy của Nhà nước đồng nào. Với kiến thức “què”, kiến thức “lùn” như vậy, dù muốn, việc đó cũng chẳng giúp được gì nhiều cho chúng tôi... Chưa kể, trong số họ có người còn đố kị với những thành công của chúng tôi

Tôi hy vọng thời gian tới sự hợp tác giữa chúng tôi với các nhà khoa học sẽ ngày càng có hiệu quả hơn

Sản phẩm của Quang Trung có gì đặc biệt so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài ?

Cần cẩu của chúng tôi có kiểu dáng công nghiệp riêng, không giống bất cứ sản phẩm nào trên thế giới. Về tính năng có cái còn thua kém một chút so với các sản phẩm nước ngoài nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn ít, kinh nghiệm ngắn, chúng tôi lại phải cạnh tranh hết sức khốc liệt với các sản phẩm nhập khẩu vì không được sự bảo hộ của Nhà nước. Lẽ ra sản phẩm của chúng tôi, đã nội địa hóa lên tới 85-90%, thì 10-15% chi tiết cần nhập khẩu phải miễn thuế thì Nhà nước lại đánh thuế rất cao, trong khi đó thuế nhập khẩu cần cẩu hiện nay bằng 0

Hàn Quốc muốn có được Hyundai, Daewoo, Samsung ... Park Chung Hee đã đề ra chính sách rất quyết liệt để phát triển chế tạo máy, đầu tư một lượng vốn rất lớn với lãi suất gần như bằng 0, cùng với rất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai...

Xin ông cho biết một vài sản phẩm công nghệ cao nào mà doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn hoàn thiện ?

Chúng tôi nghiên cứu thiết kế chế tạo cùng một lúc nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó trọng điểm là cần cẩu bánh xích 100 tấn và thiết bị đóng cọc trong xây dựng cơ bản

Cho đến nay, ở Việt Nam có nhiều viện nghiên cứu cơ khí, nhiều nhà khoa học nhưng chưa ai dám nghĩ đến làm chiếc cần cẩu bánh xích 100 tấn vì nó có tới hàng ngàn chi tiết, mà chi tiết nào cũng quan trọng, cũng chưa sản xuất được ở Việt Nam. Nói hơi quá, với cung cách làm ăn ở các viện như hiện nay, thì tập hợp tất cả các viện nghiên cứu cơ khí ở Việt Nam lại cũng không làm được chiếc cẩu đó. Còn thiết bị đóng cọc với những tính năng của nó sẽ tạo ra bước đột phá trong việc giảm giá thành và rút ngắn thời gian thi công công trình


Việc chế tạo những sản phẩm đó ông có đăng ký thành các đề tài nghiên cứu để nhận sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước ?

Vài năm gần đây, Bộ KH&CN quan tâm nhiều đến sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đã vài lần đến tìm hiểu việc làm ăn của xí nghiệp. Được sự khích lệ và ủng hộ của Bộ, chúng tôi đã đăng ký việc thiết kế chế tạo chiếc cẩu đó thành đề tài khoa học trọng điểm cấp Nhà nước. Đề tài này đã nghiệm thu ở cấp cơ sở, được đánh giá là đã tạo ra bước đột phá trong việc thiết kế, chế tạo những loại cần cẩu có trọng tải lớn hơn. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước

Có nhà khoa học đã hỏi tôi tại sao ông không chia đề tài này thành nhiều đề tài nhỏ để lấy được nhiều tiền hơn? Tôi trả lời, đúng là có thể chia thành rất nhiều đề tài: chế tạo xích là một đề tài, chế tạo bánh sao, hệ thống bánh tì, hộp hành tinh vi sai, mâm phoi, cần cẩu – mỗi thứ cũng là một đề tài. Nhưng tôi đăng ký đề tài là để khẳng định vị thế về năng lực, về chất xám của xí nghiệp chứ đâu cần lấy tiền của Nhà nước. Chúng tôi sống và sống đàng hoàng chủ yếu nhờ việc bán được sản phẩm, được thị trường trong nước chấp nhận, thậm chí có thể xuất khẩu được

Thực tế, ông đã xuất khẩu chưa ?

Hiện chính thức đã xuất khẩu rồi chưa. Thứ nhất, bản thân những sản phẩm cỡ lớn của chúng tôi mới bắt đầu thành công chừng mười năm nay, cần thêm thời gian để lắng nghe phản hồi của khách hàng đánh giá chất lượng của nó. Thứ nữa, hiện nhập siêu của nước mình rất lớn, làm sao để Nhà nước không phải bỏ tiền mua cần cẩu nước ngoài đã là thành công của chúng tôi rồi

Mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp ông trong lĩnh vực chế tạo cơ khí là gì ?

Như đã nói ở trên, tôi muốn chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí có chất lượng cao giúp đất nước giảm được ngoại tệ nhập khẩu; muốn khi đi ra nước ngoài, không ai dám coi thường cung cách làm ăn của doanh nhân Việt Nam. Khi gặp mình họ phải kính cẩn cúi chào, bắt tay mình một cách thân thiện. Tôi cũng thực sự mong muốn góp phần vào sự phát triển ngành cơ khí chế tạo bởi thiếu nó thì ngành công nghiệp của đất nước không thể phát triển

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng như vậy ông cần sự hỗ trợ gì về phía Nhà nước và của các cơ quan khoa học ?

Chúng tôi cần nhất là có những chính sách đúng đắn, có hiệu lực trong vòng ít nhất vài ba chục năm của Nhà nước. Muốn vậy, các cơ quan tham mưu cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, phải thực sự lắng nghe những ý kiến tâm huyết trung thực, phải vì lợi ích chung của đất nước. Nếu không sẽ chỉ có những chính sách xa rời thực tế, gây tác hại khôn lường. Ví dụ như hiện nay vay ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh với vay để kinh doanh bất động sản đều phải trả lãi suất như nhau, thì chỉ khuyến khích người ta đi buôn đất. Hay như, để chế tạo cơ khí cần có sáu công đoạn: Thiết kế chế tạo khuôn mẫu, đúc, cắt gọt, nhiệt điện, lắp ráp. Nhưng hiện nay chính sách của chúng ta lại chỉ quan tâm đến khâu cuối cùng là lắp ráp. Do vậy nên mặc dù có chiến lược phát triển công nghiệp ô tô với nhiều tham vọng, nhưng những chính sách được ban ra lại chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tháo gỡ ô tô đưa về Việt Nam, vặn thêm con ốc vào là xong, hầu như không có tỷ lệ nội địa hóa nào ở Việt Nam cả. Do vậy, chiến lược đó thất bại thảm hại

Còn sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu thì tôi đã nói ở trên, với cung cách như hiện nay, nếu không cải tổ một cách toàn diện thì không thể trông mong gì ở họ

Vậy theo ông cải tổ như thế nào ?

Tôi biết từ nhiều năm nay Bộ KH&CN đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tổ chức lại cơ cấu và hoạt động của các viện nghiên cứu theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhưng qua làm việc với một số viện nghiên cứu tôi thấy dường như chưa có mấy thay đổi. Họ vẫn thích tự chủ chi tiêu tiền tài trợ của Nhà nước, còn chịu trách nhiệm về việc vẽ ra các đề tài nghiên cứu để đút vào ngăn kéo… thì không. Theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế buộc các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về số tiền mà Nhà nước đầu tư cho mình giống như doanh nghiệp chúng tôi, làm được thì được, thua lỗ thì phải trả nợ, phá sản…

Hiện trong lĩnh vực cơ khí có quá nhiều vụ viện phân tán ở các Bộ, ngành, tiềm lực rất hạn chế, chẳng ai chịu ai, thích là làm không có một định hướng, một tiếng nói chung, nên từ nhiều năm nay đóng góp được rất ít cho sự phát triển của công nghiệp. Vì vậy cần tổ chức lại các vụ, viện nghiên cứu cơ khí của các Bộ, ngành thành một Trung tâm Nghiên cứu, Thiết kế và Chuyển giao công nghệ Quốc gia với các phòng nghiên cứu chế tạo máy, nghiên cứu vật liệu... và phòng tình báo công nghiệp. Phòng này có nhiệm vụ hết sức quan trọng là lấy được công nghệ cao bằng mọi cách, kể cả ăn cắp, chứ nếu mua theo con đường chuyển giao công nghệ thì bị rất nhiều ràng buộc bởi nhiều điều kiện bất lợi mà thực ra họ đâu có bán cho mình công nghệ mới. Tôi biết việc này hiện nay chủ yếu dựa vào mấy ông tùy viên, như vậy khó mà có công nghệ mình mong muốn

Trung tâm đó sẽ chịu trách nhiệm với Nhà nước thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm theo mục tiêu: làm được sản phẩm gì? Trong bao năm, đầu tư bao nhiêu tiền? Và để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình đó, trung tâm cần có chức danh tổng công trình sư

Phát triển lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu, bằng việc trước mắt hình thành từ 3 đến 5 trung tâm ở ba vùng miền do Nhà nước đầu tư, và giao cho một doanh nghiệp có khả năng quản lý sử dụng khai thác, nộp thuế và trích khấu hao. Tiếp theo là việc hình thành trung tâm đúc công nghệ cao cũng ở ba vùng miền. Các trung tâm đó tác động lan rộng công nghệ cơ khí chế tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng, miền đó

Được biết, ông đã có dự án trình Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trong việc xây dựng một Trung tâm nghiên cứu của Xí nghiệp. Dự án này đã triển khai đến đâu ?

Để chủ động phục vụ cho sản xuất và nghiên cứu triển khai một số sản phẩm mới, từ vài ba năm nay chúng tôi đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để mua trang thiết bị cho trung tâm CNC. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời gian tới, chúng tôi cần hình thành một trung tâm nghiên cứu có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại. Vì vậy theo sự chỉ đạo của Bộ KH&CN chúng tôi đã xây dựng xong dự án của trung tâm nghiên cứu đó, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính duyệt cấp kinh phí. Tôi nghĩ Nhà nước cần phải có sự nhìn nhận lại việc phân bổ tài chính đầu tư cho khoa học. Ai thật sự làm có hiệu quả, có tiềm năng phát triển và nhất là có ý tưởng mới thì cần được đầu tư chứ không chỉ dựa vào cái danh của các viện. Tôi thấy trên báo chí nói, có phòng thí nghiệm trọng điểm được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng mà nhiều thiết bị hầu như vẫn đắp chiếu

Ông có thể khái quát những yếu tố dẫn đến sự thành công của Quang Trung ?

Thành công trước hết là do chúng tôi đam mê với công việc, có hoài bão, tham vọng lớn, có sự thống nhất ý chí, chỉ đạo tập trung, triển khai rất quyết liệt như việc thi hành mệnh lệnh của quân đội. Khi giám đốc phát ra lệnh, người nhận lệnh ký xác nhận đồng ý hay không đồng ý nhận việc. Khi đã nhận việc thì được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để làm. Nếu đã làm hết khả năng mà không xong thì có người giúp đỡ nếu vẫn không được thì tất cả sẽ thức trắng đêm để làm cho bằng được

Dù học vị học hàm không có, nhưng đam mê, lăn lộn trong thực tế sản xuất, tôi đã tích lũy được một vốn tri thức đáng kể về các lĩnh vực: điện, tự động hóa, vật liệu, chế tạo hệ thống module bánh răng..., ngay cả một số kỹ sư sừng sỏ cũng không thể qua mặt tôi được, nên tôi có thể chỉ đạo và tổ chức thực hiện đến từng chi tiết nhỏ nhất của các thiết bị, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót không đáng có

Nguyên tắc của chế tạo cơ khí là bản vẽ thiết kế phải được phê duyệt rồi mới đưa vào sản xuất. Nếu không thành công thì người ký duyệt phải chịu trách nhiệm. Do vậy có những bản vẽ thiết kế tốt, lại phải xếp vào ngăn kéo vì nhiều vị ở các vụ, viện sợ trách nhiệm không dám ký duyệt. Còn ở tôi, từ ý tưởng chúng tôi làm mô hình nhỏ, thí nghiệm, sửa đi sửa lại, khi nào thành công mới tiến hành thiết kế và tôi là người chịu trách nhiệm ký vào bản vẽ. Do vậy phát huy được tối đa tính sáng tạo của mọi người. Mọi sản phẩm hoàn thành tốt đều là công lao, là niềm vui chung của mọi người. Đó là về tinh thần còn về vật chất, lợi nhuận làm ra, ngoài việc đầu tư phát triển xí nghiệp, tôi dành một phần không nhỏ để có thể trả một mức lương, thưởng hấp dẫn, tùy theo năng lực và kết quả công việc của từng người

Ông điều hành công việc trong ngày như thế nào ?

Thành nếp, dậy 4 giờ sáng, không xuống đất, lúc đó rất tỉnh táo, suy nghĩ về công việc của mình ngày hôm nay cái gì làm trước cái gì làm sau, làm như vậy thì được lợi gì hại gì, cứ thế mà triển khai. Thời gian trong ngày tôi chủ yếu điều hành công việc trực tiếp ở cơ sở, ít khi ngồi ở văn phòng và cũng ít khi dùng đến văn bản, giấy tờ, nên đâu cần trợ lý, thư ký

Với những kinh nghiệm có được, hẳn ông có thể góp phần xây dựng một chính sách phát triển ngành cơ khí có tính khả thi cao ?

Đúng vậy. Nếu được tham gia vào việc đó, thì bằng cả tâm huyết và tri thức thu lượm được từ trong thực tế lao động sản xuất, tôi tin là những ý kiến của tôi sẽ góp phần giúp cho chính sách có tính khả thi hơn. Vấn đề là chẳng có ai hỏi tôi, mà đôi khi người ta còn nghĩ tôi là vỗ ngực

Đáng chê trách nhất là một số lãnh đạo, chuyên viên viện nghiên cứu chiến lược của một số bộ ngành được Đảng và Nhà nước giao cho công việc làm chính sách đã non yếu về trình độ, lại thiếu sự vi hành, thiếu sự giao lưu cầu thị nên tham mưu cho cấp trên ban hành chính sách không sát với thực tiễn. Có nhiều người nói chính sách mơ ngủ, vuốt đuôi, không đi được vào cuộc sống.

Bài viết liên quan